Rạp chiếu phim đầu tiên tôi bước chân vào, lại không phải để xem phim. Vì nó không thể chiếu phim được nữa. Là rạp phim bỏ hoang nằm ngay trước nhà bà ngoại, trong lần về quê duy nhất năm lớp 8, tôi và em trai cùng lũ nhóc hàng xóm chạy vào để chơi trốn tìm.
Trước rạp là một khoảng sân rộng ngập đầy cỏ dại, cao đến ngang thân người, cây cối xơ xác đen nhẻm. Bên trong vẫn còn hai hàng ghế gỗ, đa phần gãy chỗ này mất chỗ kia, phủ bụi dày cùng mạng nhện giăng khắp.
Bố mẹ tôi từng kể rằng nó từng có thời chật kín khách. Vì là cái rạp duy nhất ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Mẹ và bà khi ấy bán nước trước cổng rạp, thường xin được vé mang ra bán lại. Còn dư vé thì vào xem. Mẹ kể những phim của Lê Công Tuấn Anh bao giờ cũng cháy vé. Bố với mẹ lúc hẹn hò có vào xem một phim, mà sau này tôi mở cho cả nhà xem lại trên máy tính, là Chuyện Cổ Tích Cho Tuổi 17 của đạo diễn Xuân Sơn, ra mắt vào năm 1988.
Lúc đó, tôi chưa mường tượng được cảnh xem phim trong rạp là như thế nào. Chỉ nghĩ giống như đi xem hát. Là những hàng người chen lấn trước một màn hình lớn.
Khi các rạp phim bắt đầu xây lên ở miền Nam vào những năm 2005, tôi hoàn toàn không để ý đến. Xem phim với tôi lúc đó là lén bố mẹ bật tivi vào đêm khuya, ở những chương trình phim truyện cuối tuần. Tiền gửi xe còn không có thì đơn giản nó nằm ngoài phạm vi suy nghĩ. Ở Biên Hòa nơi tôi sống, trước có một rạp phim lâu năm là rạp Thanh Bình, hình như xây từ trước giải phóng, chuyên chiếu lại phim Việt Nam. Có lần tôi vào cùng đám bạn chung lớp dịp Tết năm lớp 11, nhưng chỉ ở tầng dưới nơi bán đồ lưu niệm chơi chứ không lên xem.
Còn rạp phim mới đầu tiên là Megastar tại siêu thị Coopmark. Tôi biết nhờ thằng em kể. Nó học trường cấp Ba gần đó, và thường đi xem với bạn. Khi biết giá vé, tôi hay cằn nhằn “thà ở xem tivi còn hơn”, nó thì bảo “hình ảnh với âm thanh đã lắm!”.
Phải đến khi tôi vào năm đầu đại học, năm 2008, nó mới rủ tôi đi xem cho biết. Phim chọn xem là Siêu Nhân Cái Bang, tôi không nhớ tên tiếng Anh, chỉ nhớ có Will Smith đóng. Quả thật, ấn tượng ban đầu là rất choáng ngợp. Tôi luôn nghĩ rạp chiếu phim là nơi phải cũ kỹ, bám bụi, ghế sàn hỏng hóc, chứ không phải sạch sẽ, êm ái, có máy lạnh khắp nơi như thế. Ngoài ra còn thơm mức mùi bỏng ngô nữa. Dù không biết từ đâu ra hình ảnh đó. Âm thanh trong rạp là khá lớn với tôi, nhất là tiếng va chạm, cháy nổ, thỉnh thoảng tôi phải bịt tai cho nhỏ bớt.
Ra khỏi rạp, nó nhe răng cười hỏi: “Đã không?”. Tôi gật gù: “Ừ đã!”
Nhưng đó chỉ là số ít lần hiếm hoi tôi ghé rạp. Bởi điều kiện tài chính không cho phép. Cho đến khi lên năm 3, bắt đầu chuyển cơ sở học từ Thủ Đức lên Quận 1, rạp phim mới gần gũi với tôi hơn.
Nhưng cũng là một quá trình dài từ việc tiếc tiền và đắn đo về việc chờ xem bản đẹp trên mạng, so với việc phải ra rạp. Tôi có một người bạn, hai đứa cùng xuất phát điểm như nhau, và nhận ra gần như cùng một lúc. Bạn là người nói ra câu chốt: “Phim ảnh sinh ra để thuộc về rạp chiếu bóng.” Chỉ ở đó, trong điều kiện hình ảnh và âm thanh ở chất lượng tốt nhất, cảm xúc người xem gần với trọn vẹn nhất. Không có nghĩa phim trên tivi hay máy tính không mang lại cảm xúc, nhưng rõ ràng không thể bằng được với trải nghiệm trong rạp, với màn hình như cánh cổng thật sự đưa chúng ta vào thế giới khác.
Cũng là mùa hè năm 3, nếu tôi nhớ không nhầm, tôi bắt đầu nhận việc viết bài bình phim cho tuần báo Sinh Viên Việt Nam. Từ đó, việc xem phim từ sở thích trở thành trách nhiệm. Dù công việc không hẳn đòi hỏi phải đến rạp, thì rất tự nhiên, tôi bắt đầu lui tới thường xuyên hơn.
Tôi không nhớ đâu là rạp chiếu bóng đầu tiên mình xem ở thành phố, vì ngày đó không phân biệt được, và không để ý lắm. Tôi chỉ nhớ những kỷ niệm gắn liền với từng rạp, gắn liền với từng con người tôi gặp gỡ.
Rạp tôi yêu thích nhất là Galaxy Nguyễn Trãi. Không hẳn là bởi chất lượng tốt nhất. Đây vốn là một rạp với diện tích nhỏ, trang trí không có gì đặc biệt. Chỉ là một gian phòng với những chiếc ghế chờ màu đỏ xếp sát tường, hướng vào một màn hình lớn được ghép bằng nhiều màn hình nhỏ ở bên trái quầy bán vé. Không gian gần cầu thang bộ được dùng để nơi các nhãn hàng tiếp thị và khuyến mãi.
Ban đầu tôi và nhóm bạn hay lựa chọn vì tiện lợi nhất (giờ nghĩ lại rõ ràng Nguyễn Du tiện lợi hơn). Hoặc có lẽ vì giá vé luôn rẻ hơn Megastar, ghế ngồi không bất tiện và phòng không quá rộng như ở Nguyễn Du. Sau chúng tôi nhận ra thích không khí ở đó, bởi lúc nào rạp cũng đông khách, khi xem phim hài hiệu ứng khán giả rất lớn. Nhiều khi cảnh phim không buồn cười nhưng người ta cười nhiều quá khiến mình cười theo, vẫn sảng khoái như thường. Lâu rồi thành quen, dường như cứ đi xem phim là chúng tôi ghé Nguyễn Trãi.
Nhưng với tôi, việc tôi yêu mến nơi này gắn với lý do cá nhân nhiều hơn. Đây là rạp chiếu phim gắn liền với quãng thời gian cô đơn và nhất của tôi. Đó là khoảng 6 tháng nào đó ở tuổi 24, khi tôi tách biệt hoàn toàn với thế giới ngoài kia và nhốt mình vào một căn phòng kín. Nếu phải ra ngoài, thì chỉ có đi đến rạp Nguyễn Trãi. Tôi không nhớ mình đã xem bao nhiêu phim trong thời gian đó. Nhiều khi xem vài phim liên tiếp nhau. Thực chất không phải xem phim, mà tôi chỉ muốn chìm đắm vào một không gian khác. Những bộ phim là một kiểu thuốc giảm đau, thay cho bia rượu, để tôi có thể quên đi.
Ở đó, tôi đã có trận khóc đã đời nhất với bộ phim Les Miserables, bản điện ảnh với sự tham gia của Hugh Jackman và Anne Hathaway. Tôi đã từng đọc tác phẩm này ở thời trung học, và nhớ rất rõ những chi tiết hay cảm xúc, bởi lối miêu tả tỉ mỉ đến cực độ của Victor Hugo, nên không gặp khó khăn gì để theo dõi cốt truyện hay đồng cảm với nhân vật. Các ca khúc trong phim lấy từ vở nhạc kịch rất hay và giàu cảm xúc, từ giai điệu đến lời ca. Chúng hợp thành mũi kim nhọn chọc thủng cái bong bong chất chứa trong tôi, đến vỡ òa. Tôi cảm thấy gương mặt mình ướt đẫm, và nhận ra, rạp phim còn là một trong số ít những nơi người ta có thể khóc thoải mái ở chỗ đông người. Đó cũng là ngày sinh nhật “đầu tiên” của tôi.
Trùng hợp là khi bộ phim kết thúc, trong lúc bước ra ngoài, tôi gặp lại người bạn đã nói câu chốt về phim rạp ấy. Bạn đi cùng bạn gái, và chúng tôi đã xem chung rạp, dù không nhìn thấy nhau. Có lẽ vì mắt tôi đỏ hoe, bạn hỏi: “Khóc hả?”. “Ừ, khóc quá chừng.” Cô bạn gái, người mà tôi luôn thấy không hợp với bạn, cũng khen phim này hay, và nói rằng có lẽ sẽ đoạt giải Oscar. Hai chúng tôi đồng loạt nói đó là điều không thể nào. Đi chung một đoạn bạn bảo “giờ phải đưa bé về” nên tạm biệt.
Một thời gian sau, bạn và bạn gái chia tay nhau, điều tôi có thể đoán được. Còn hiện tại, bạn đang rất hạnh phúc với người yêu mới, dường như hợp hơn và yêu bạn hơn rất nhiều.
Nhưng không phải tôi hoàn toàn cô độc ở Galaxy Nguyễn Trãi. Chỉ là phần lớn thời gian. Thời gian còn lại, tôi hay đi xem phim với N. Khoảng thời gian gần Tết cô ấy rảnh nên hay đến phòng tôi xem các phim Hàn Lâm một chút. Tôi nhớ cô ấy đã rất thích Rush (2013) và The Dark Knight (2008). Một ngày nọ cô ấy xem xong chuẩn bị ra về, thì thấy tôi cũng chuẩn bị đi liền hỏi “Ủa, Nam định đi đâu vậy?”. Tôi nói rằng mình sẽ ghé rạp để xem The Secret Life Of Walter Mitty. Cô ấy hơi suy nghĩ một chút rồi bảo: “Vậy N đi xem với Nam.” “Không cần đâu, tụi mình vừa xem phim rồi còn gì?” Tôi nói, vì biết rằng bình thường thì người ta khó mà xem 2 hoặc 3 phim liên tiếp, vì sẽ khó nhập tâm bởi phim trước chưa “tiêu hóa” hết. Chưa kể đến sự mệt mỏi. Tôi thì khác.
“Không sao đâu, không lẽ N để Nam đi xem một mình?” N trả lời.
Tôi nhớ mình đã rất cảm động khi nghe N nói, và không từ chối nữa. Hai đứa dò lịch phim, và không phải đi đến Nguyễn Trãi mà một rạp Galaxy Tân Bình, đường Nguyễn Hồng Đào. N dẫn đường, bởi tôi chưa từng đến đây. Rạp chiếu nằm trên nóc của tòa nhà cao tầng, và có góc nhìn thẳng ra khoảng đất rộng của sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ phim không phụ lòng chúng tôi, rất hay và ý nghĩa. Sau khi xem xong, chúng tôi vào ăn ở một quầy món ăn Thái, có chỗ ngồi sát cạnh tấm kính lớn nhìn ra ngoài trời. Và lúc đó, tôi cảm thấy đâu đó trong cơn giông bão này, đã có một góc bình yên.
Đó là khởi đầu của thói quen đi xem phim chung của tôi và N, vẫn được duy trì đến bây giờ, dù không thường xuyên như trước. Tất nhiên Galaxy Nguyễn Trãi là điểm đến quen thuộc nhất. Ngoài ra còn có Megastar/CGV Hùng Vương Plaza. Bởi rạp này thường có những phim trong mục “Phim Hàn Lâm” mà các rạp khác không có. Tôi cũng thích rạp này, nhưng không phải bởi sự hoành tráng bên trong, mà là khoảng thời gian sau khi xem phim xong, tôi và N thường đi đến nhà thờ kế bên ngồi chơi. Tôi không bao giờ nhớ được tên. Chính xác không phải đi nhà thờ, mà là công viên phía trước nó. Nơi có những hàng cây cắt tỉa cẩn thận và khuôn viên cho người dân tập thể dục hoặc vui chơi. Con đường xung quanh thì ngập đầy xác lá khô. Luôn có tiếng con nít nô đùa rộn ràng ở đó, và buổi chiều thì rất mát mẻ, dù ngay giữa lòng thành phố. Chúng tôi thường ngồi đó nói chuyện cho đến sập tối, trước khi N chạy xe về, còn tôi bắt xe buýt ở trạm bên cạnh.
Một lần, chúng tôi đi xem phim Titanic bản 3D thì gặp Nh, một người bạn khác từ thời đại học. Nh từng có thời gian khá thân thiết với tôi nhưng ngắn ngủi, ấn tượng về cậu là rất hiền lành, lúc nào cũng đeo tai nghe nhạc, thích Mariah Carey, và uống Sting nhiều đến mức đỏ cả lưỡi. Còn nữa, Nh lúc nào cũng đội nón lưỡi trai. Cậu đi xem phim Titanicmột mình. Khi tôi hỏi sao không rủ thêm bạn, vì Titanic không phải là phim nên xem một mình., thì cậu cười bảo “Xem một mình để được khóc cho đã!”. Và tôi hiểu ngay lập tức. Tôi nghĩ nếu dành nhiều thời gian hồi đi học hơn, tôi và Nh có thể đã trở thành bạn tốt lâu dài. Nhưng đó là lần cuối cùng tôi gặp cậu ấy, sau khi ra trường.
Còn N, có lẽ sự xuất hiện của cô ấy trong khoảng thời gian khó khăn của tôi, giống như một sợi dây nhỏ bé níu tôi lại. Để tôi từng chút một lấy lại thăng bằng. Tôi rất biết ơn, vì thế, tôi thường tặng cô ấy sách khi có dịp, hoặc khi không có dịp, vì cô ấy rất thích sách. Đến mức hôm trước cô ấy đã gắt: “Sao tặng gì tặng hoài vậy?” khi tôi muốn mua cho N quyển Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Nơi Tận Cùng Thế Giới. N không hề biết đó là cử chỉ cảm ơn, dù nhỏ bé, vì tôi chẳng có gì lớn lao hơn để gửi trao. Dù cô ấy không hề chủ định hay để ý về việc đã ở bên cạnh tôi trong rạp chiếu bóng những ngày tháng đó, thì nó vẫn có ý nghĩa với riêng tôi.
Thời gian gần đây, tôi mới gắn bó với một rạp mới mở ở gần nhà, CGV Big C. Tôi ít khi phải lặn lội đi xa nữa, nếu chỉ xem phim một mình, để viết bài hay đơn giản không có ai đi chung. Rạp được thiết kế rất đẹp, hình vẽ và phối cảnh như thể đang ở trong kho hàng của các công-tơ-nơ, với nhiều chi tiết dễ thương. Phòng chiếu nhỏ và rất chất lượng. Vì gần nhà, nên tôi thường lựa chọn những suất rất khuya, như 11 giờ đêm, để “một mình một rạp” xem phim. Khi xem xong thường là 1 giờ sáng, tôi được tận hưởng thêm chút giá lạnh buổi khuya trên đường về nhà, phía sau là cánh cửa rạp đang phát sáng trong bóng đêm, tận hưởng cảm giác như đang ở trong một giấc mơ xa xăm nào đó. Cho đến khi tất cả đều kết thúc.
Nhắc lại tất cả những việc này, về những rạp chiếu bóng thân quen, và khoảng thời gian đã qua, tôi có cảm giác như đã rất, rất lâu lắm rồi. Điều kỳ lạ hơn, là chúng đều có thật. Từng mảnh ký ức ấy đã gắn bó tôi với những người khác, với nơi chốn, và với điện ảnh, trở thành một phần tuổi trẻ tôi và của tôi, và sẽ không bao giờ mất đi.
Theo Hoài Nam (35mm)
0 nhận xét:
Post a Comment