Người ta sẽ không mổ xẻ một bộ phim quá nhiều nếu như bản thân cốt truyện không gợi lên những ám ảnh dành cho chính người đang suy nghĩ, đang bàn luận.
Người ta cũng sẽ không bao giờ cất công phải viết những dòng cảm xúc để thỏa mãn niềm khát khao được tỏ bày quan điểm nghệ thuật, cái lý lẽ không bén rễ một cách cởi mở như thế, chắc hẳn là phải thiết tha lắm, trăn trở lắm nên người ta mới có thể dành trọn một góc suy tư đang trỗi dậy mạnh mẽ để viết những gì mình đang muốn nói ra…
Với “Bi, đừng sợ!”, một bộ phim mà tôi có thao tác chú mục vào màn hình như đối với các phim về chiến tranh, trinh thám, mỗi cảnh trôi qua, đều có một mắc xích quan trọng cho cả một vấn đề, bộ phim như bức tranh được vẽ nên những gam màu chân thực nhất của cuộc sống, không giả dối, không hoa mỹ màu mè, không thổi phồng một chút nào về hiện thực của gia đình Bi. Một gia đình gần xưởng làm nước đá, trong không khí oi bức của mùa hè, lúc nào cũng nườm nượp người người thợ thợ, phim chỉ có 5 nhân vật chính: Bi, mẹ Bi, bố Bi, cô Bi, ông Bi. Mỗi người là một họa sĩ, cầm cây cọ của chính họ để hoàn thiện bức tranh ấy.
Bi hồn nhiên như cánh lá phong ép mình trong đá, hình ảnh này có ý nghĩa như thể tôi đang nắm lấy cái bóng của chính mình, mà ai cũng vậy, cũng một thời trẻ thơ trôi qua với những khoảnh khắc bị đóng băng mà không thể nhận ra, mà cũng làm sao ta có thể thấy được tảng băng ấy đang tan dần và rỉ nước… Xuyên suốt bộ phim, hình ảnh chiếc lá phong được ép cẩn thận vào khối đá viên cùng với nụ cười của Bi, những hoạt động của em thường ngày, thỉnh thoảng khối đá tan chảy, nhỏ li ti từng giọt xuống nền đất ẩm ướt, bụi bẩn. Chình hình ảnh ẩn dụ đầy sức biểu cảm đó đã khiến tôi băn khoăn rất nhiều về thế giới thực tại: Nó có bao giờ bị tan ra thành những đọng nước lem luốc ấy không?
Phim là một bức chân dung thực tế, ai chấp nhận thực tế thì sẽ nhìn lâu bức tranh ấy hơn, còn ai chỉ mong rước vào mình những điều mộng mị thì sẽ quăng bức tranh ấy sang một góc nào đó… Người ta từ chối nó, như cách mà người ta từ chối nhìn vào sự thật!
Cái không khí cứ trầm lặng trong gia đình, tiếng đàn bầu lẩn khất đâu đó, khác hẳn với tiếng la hét của mấy ông chú nhậu nhẹt ngoài phố vào đêm, trong đó bố Bi là một hình tượng không thể nào khác hơn, ông “gắn bó” với vô vàn chầu nhậu nhẹt chẳng ra đâu vào đâu với những người đàn ông khác, ông có mặt trong căn nhà ấy chỉ như một hoạt động thêm vào cho những lần đi về. Ông có vợ, có đứa con trai kháu khỉnh, đang tuổi tinh nghịch, hiếu động lẫn tò mò… Điều gây khó hiểu cho tôi, một sự khó hiểu xuất hiện rất nhanh, rất đời, rằng tại sao bố Bi có một người vợ hiền lành, đảm đang, khả năng giường chiếu không phải là một sự nhìn nhận về mặt khuyết điểm, vậy mà ông lại quen một cô gái 20 tuổi làm nghề gội đầu mát-xa, phải chăng em ấy trẻ hơn? Cái đẹp nõn nà của em làm ông như hồi lại cái thời thanh niên, hay ông đang tìm kiếm điều gì? Trong chính căn nhà ấy, ông luôn là một dấu chấm hỏi lớn, dẫn theo cả một sự đổ vỡ ở phía tận cùng của “dấu chấm”.. Ông là khát khao hằng đêm của người vợ, mẹ Bi. Ông cũng là một dấu chấm lửng lớn của cuộc đời vợ mình!
Người đàn ông có quyền khao khát đàn bà
Và người đàn bà cũng có quyền như thế, khao khát đàn ông…
Hai số phận, hai người phụ nữ chính của câu chuyện, một có gia đình và một chưa, đó là mẹ Bi & cô Bi. Hình tượng người phụ nữ trong “Bi, đừng sợ!” chân thật đến nao lòng. Bước ra từ thực tế, tôi cũng tự hỏi sao người ta có thể từ chối nhìn thấy sự thật, dù nó đẹp hay xấu, dù tròn hay méo, thì nó vẫn là sự thật, ta sống hằng ngày với nó, lam lũ cùng nó, chịu đựng đắng cay cùng nó và cũng khe khẽ hạnh phúc cùng nó… Có thể nói, bản năng “đàn bà” trong mẹ Bi và cô Bi luôn tồn tại trong góc khuất của chính họ, mà nơi nào có khả năng chất chứa đầy ắp nỗi phiền muộn hơn là trái tim?
Người ta dù có đánh giá mẹ Bi là một người phụ nữ lăng loàng, vì dám ôm ba chồng ngay trên giường, đến ngày giỗ một năm đầu sau khi ông mất, cô thoa son đỏ, rồi dẫn Bi đến mộ của cụ, hôn lên đó, và khóc… Sao cứ phải là khóc, mà không phải là la lên, nói hết lên để trút cạn nỗi niềm bấy lâu! Vì so với đàn ông, thì đàn bà nào có thể làm được gì hơn, ngoài việc cứ để cho nước mắt cứ rơi một cách vô thức và day dứt đến như thế..Chỉ một cái ôm, một cái nhìn khác lạ, đã gieo vào lòng người đàn bà ấy những xáo động trong tâm hồn, phải chăng chị đang cần sự vỗ về, hay chỉ giản đơn là cái gật đầu cảm thông, một ánh nhìn chia sẻ. Điều ấy sao khó quá, khó đối với chị và khó với phận người phụ nữ!.. Trong chính chuyện gối chăn, nếu không có bi kịch mang tên “ái ân”, nếu không có một ông chồng bê bết, một cảnh hạnh phúc giả tạo, thì lẽ ra con người ta đã có thể khóc cười môt cách đường hoàng rồi!
Suy cho cùng, người hiểu đàn bà có thể không phải là đàn bà, mà là người đàn ông bên cạnh họ, và sự thiệt thòi nằm ngay trong cái mà ta cứ ngỡ là hạnh phúc, là vai trò, bổn phận làm vợ, làm mẹ.. Nhưng người phụ nữ vẫn thà chấp nhận sự câm lặng trong vô vàn tiếng nấc đang chực trào được tuôn ra, chỉ mong gia đình được êm ấm, hòa thuận. Thế nhưng, bất kể dù có thể cười trong ánh sáng, thì việc khóc trong bóng tối vẫn luôn là điều gì đó rất dè dặt, rất nhói lòng.
Khát khao chuyện “vợ chồng” có làm cho con người ta đánh mất chính mình? Đi tìm cái bản ngã đớn đau, oằn oại đó có thể xô đẩy người ta rơi xuống một cái vực sâu hun hút, trơ trọi không bóng người… Người thân bỏ mặc, bạn bè chê cười, thiên hạ phỉ nhổ!! Rồi sao? Chỉ còn cách họ phải rút chân lại, vị trí ấy lại thuộc về ranh giới lưng chừng giữa sự xáo trộn trong tâm can lẫn cái bình thản đến không ngờ. Có thế chăng thì cuộc sống này mới yên ổn? Để những người đàn ông vẫn có cái quyền của đàn ông, để những người đàn bà cũng chỉ vỏn vẹn có nước mắt & những khát khao chưa kịp gọi tên…
Cả hành trình của bộ phim làm tôi chợt giật mình bởi không ít thông điệp đang dần trôi qua một cách khá vội vã, có lẽ do tôi vẫn còn hời hợt để nhận ra, đâu là giá trị chân phương của cái gọi là “dục vọng”?!
Nhưng mà, “Bi, đừng sợ…”, vì dù cho ngày mai có đến với như thế nào đi nữa, thì thế giới của người lớn vẫn chưa thể làm nhiễu vào cái nhìn trong trẻo của em, đừng sợ vì những người phụ nữ thân yêu xung quanh em còn có thể yêu thương và phục vụ không mệt mỏi những người đàn ông xung quanh, chỉ với tình yêu và không mong chờ sự hồi đáp. Đừng sợ, vì cuộc sống và tình yêu nó là như thế…
Lúc xem phim, không ít lần tôi tự hỏi vì sao một đạo diễn nam lại có thể làm nên một bộ phim về phụ nữ xuất sắc đến vậy, anh cảm thông & dằn vặt với nỗi buồn trôi tuột vào tim của họ như một nhà đấu tranh cho nữ quyền. Phan Đăng Di tạo nên một nhân vật người mẹ, một phụ nữ miền Nam nói giọng Bắc hết sức thuyết phục, một người đàn bà khao khát đựơc yêu (một cách hết sức chính đáng) đến mãnh liệt với chồng nhưng rồi cũng bị chồng bỏ rơi trong từng cái nhìn, cử chỉ, và mẹ Bi như một người phụ nữ trơ trọi trong chính gia đình mà mình đã gầy dựng, cũng như nhiều người phụ nữ Việt Nam khác.
Theo 35mm
0 nhận xét:
Post a Comment