Xem xong Ba mùa (Three Seasons), tôi không ngờ rằng lại có một bộ phim Việt đẹp và ấm lòng đến vậy. Có một Sài Gòn xưa cũ kĩ, phong rêu mà thân thuộc đến nao lòng, có những mảnh đời với câu chuyện giản dị mà đượm tình người, có những cảnh quay sáng trong đến ngẩn ngơ, có cả những cánh sen rung, tỏa ra hương thơm dịu ngọt chạm vào tim và ở mãi trong tim…
Khi làm Ba mùa, đạo diễn người Mỹ gốc Việt Tony Bùi mới 26 tuổi. Anh rời Việt Nam khi mới lên hải, bỏ lại những kí ức về quê hương đâu đó trong giấc mơ thơ ấu. Về tựa phim, Tony nói rằng, miền Nam không chỉ có hai mùa, nóng phừng phực muốn đổ lửa và mưa tầm tã ướt mòn, miền Nam còn có một mùa thứ ba, là mùa hi vọng.
Chuyện phim là sự đen xen giữa những số phận, những kiếp người thoáng qua nhau trong thành phố náo nhiệt, kín cả phù hoa, kín cả những mưu sinh. Cô bé Kiến An trong ngần, như những cánh sen sáng trong quanh hồ, nơi cô được thuê bởi thầy Đào bí ẩn, người chưa bao giờ rời khỏi ngôi chùa tọa trên những đài sen thơm ngát. Anh xích lô Hải chân chất thật thà, tốt bụng, đem lòng yêu một cô gái điếm tên Lan. Lan mơ ước thoát khỏi cảnh nghèo, được sống trong những ngôi nhà rộng, cửa cao, lung linh hơn khu phố ổ chuột cạnh đường tàu ầm ĩ. Ông cựu lính Mỹ Jame Harger quay lại Việt Nam tìm cô con gái lai thất lạc, ánh mắt buồn xen khói thuốc trên chiếc ghế mỗi chiều. Chú bé Woody bụi đời, nép mình dưới những cơn mưa không dứt, lặng lẽ đi qua dòng đời.
Mỗi con người xuất hiện trong phim đều là một cánh sen, như câu hát của những người phụ nữ Nam bộ trên ghe: “Nhụy vàng, bông trắng lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Vẫn còn đó lớp đất bùn, lớp bụi đời bám vào nhức nhối. Nhưng lại như câu hát của Kiến An làm xao lòng người thi sĩ bất hạnh: “Đố ai quét sạch lá rừng. Để em khuyên gió, gió đừng rung cây”. Ai có thể quét sạch lá rừng, để gió vẫn thổi vẫn rung trên từng cánh sen và tỏa ra thứ hương ngọt mát, êm dịu tâm hồn.
Hải tìm thấy tình yêu từ đôi mắt Lan, không gì khác ngoài đôi mắt giữa những lớp phấn son, giữa quần áo sặc sỡ và một thái độ câng cấc đáng ghét ở các cô gái điếm. Ở đôi mắt ấy, anh nhìn thấy nét đẹp từ tâm hồn, một nữ sinh trong sáng và yếu đuối, dễ tan vỡ để dang tay muốn chở che. Hải cũng là một cánh sen, đạp xích lô nhưng sẵn sàng cứu giúp những người gặp nạn, là Lan, là Woody, không hút thuốc không uống rượu mà thích đọc những trang sách cũ. “Lẽ nào tôi lại lấy một anh phu xích lô” – câu nói nhói lòng nhưng ánh mắt nồng nàn của Lan đã trả lời cho Hải. Khi tình cảm chân thành rung những nhịp cầu nối hai con người nghèo khổ, hạnh phúc đâu phải không thể sinh ra trong khốn khó, những cánh phượng lãng mạn đẹp rung một góc trời.
Ông giáo Đào lại là một bi kịch, bi kịch từ căn bệnh và nỗi mặc cảm khiến ông tự cách ly một hồn người, một hồn thơ. Ông chỉ bị đánh thức bởi một bài hát kỉ niệm, của thời tuổi trẻ tinh khiết nhất trên những ngôi chợ nổi. Kiến An với bề ngoài khắc khổ, nhưng đôi mắt trong ngần và lòng nhân hậu, đã giúp ông Đào thoát khỏi xiềng xích và biến thành cánh chim. Thân xác ông hóa thơ bay ra khung cửa sổ, hòa vào đám mây xa rong chơi mọi nẻo chân trời. Chỉ có sự quan tâm thực sự mới ấm lại những tâm hồn giá băng. Kiến An đẹp theo một cách riêng, ẩn trong những cử chỉ dịu dàng Á Đông rất mực, bằng tấm lòng biết tỏa tình người không toan tính nghĩ suy.
Woody, cậu bé mưa, là một nhân vật rất đặc biệt. Tony Bùi đã chủ tâm đưa Sài Gòn vào cả hai mùa mưa nắng. Với cái nóng “ở đây đã lâu vẫn thấy khó chịu”, và cơn mưa đêm hắt hiu ánh đèn. Woody như bọn trẻ vẫn gọi, hay là Mộc, hay vô danh như bao đứa trẻ bụi đời, che đầu bằng áo mưa mỏng manh, bán những món đồ cho khách nước ngoài kiếm kế mưu sinh. Cảm thương cho một đứa trẻ sớm quen mùi đời, lầm lũi trước những trận đòn, lời mắng chửi, ánh mắt thẫn thờ lạ lẫm thiếu tình thương. Nhưng, có rung động cánh tim không, có ấm lòng không khi nhìn cậu bé thả những chiếc thuyền nước mưa, hồn nhiền đùa giỡn sau rạp chiếu bóng, và đưa vai cho một bé con khác gối đầu ấm áp đêm mưa.
Chuyện của Jame như một lời nhắc nhở, khi Jame nói “Đời tôi đã phạm nhiều sai lầm, và tôi đang cố gắng biến sai thành đúng”, về một cuộc chiến tranh vô nghĩa ông từng tham gia, về giọt máu thất lạc là điều cuối cùng có thể còn cứu rỗi.
Xem Ba mùa thấy lòng lắng lại những dòng cảm xúc, thấy ấm áp tình người sau những cảnh quay. Hình ảnh đồng sen tượng như cho một mùa tươi mới, mùa sen vẫn còn đó, mùa hi vọng chớm hồng. Là vì đâu, nào phải người con xa quê hương nào cũng thấy được, sức sống tiềm tàng của dân tộc Việt Nam chính là nhờ niềm tin và hi vọng. Hi vọng giúp người Việt chiến thắng những cuộc chiến rất không cân sức, giúp đi lên từ đói nghèo khốn khổ, giúp nụ cười tỏa nắng ngay trong nỗi đau, nhưng hi vọng không là phép màu, mà chỉ xuất hiện khi con người tìm thấy nhau giữa cuộc đời, tương lân tương ái, đỡ lấy nhau và nắm lấy tay nhau.
Bộ phim đạt ba giải quan trọng của LHP Sundance năm 1999, “Phim hay nhất”, “Phim khán giả bình chọn” và “Quay phim xuất sắc nhất”. Những khung hình của Ba mùa qua bàn tay của Lisa Rinzler đẹp đến ngẩn ngơ. Cánh đồng sen của thầy Đào sáng tươi đầy màu sắc, những cánh phượng bay choáng ngợp không gian, cơn mưa đêm tầm tã trôi theo những bước chân của Woody, hắt hiu từng giọt vào thinh không. Hiếm thấy bộ phim nào quay đẹp đến thế, một tác phẩm tinh tế đến từng góc cạnh, và bất kì khung hình nào cắt ra cũng sẽ trở thành một bức tranh nghệ thuật.
Tony Bùi đến Việt Nam lần đầu năm 19 tuổi, và anh đã ghét những trải nghiệm đầu tiên, cái nóng đổ lửa, sụt đến 10 cân Anh vì không ăn gì được, ở trong một ngôi nhà không có điện, nước máy, Tony trở về Mỹ sau hai tuần. Nhưng khi máy bay đáp xuống phi trường, Tony bắt đầu nhớ về Việt Nam, đó là một điều lạ lẫm với anh. Sau đó anh quay lại Việt Nam và ở liền ba tháng “Tất cả những gì tôi ghét trong lần về thứ nhất, thì lần này tôi lại đón nhận. Cái nóng cái ẩm của thời tiết. Bụi. Đám đông. Kẹt xe. Tôi yêu sự khác biệt. Tôi yêu không khí, dáng vẻ, âm thanh. Ngay cả cái nóng Sài Gòn. Phải cần nhiều thời gian người ta mới có thể có tình yêu đó”. Bộ phim là tình yêu anh tìm thấy dành cho thành phố quê hương.
Bộ phim là một bài thơ, một bài thơ ướp hương sen thơm ngát đượm chất tình làm ấm áp con tim. Đó là Sài Gòn hai mùa mưa nắng, Sài Gòn với giàu nghèo phân biệt, những thân phận người lao động khốn khó, nhưng cũng là một Sài Gòn nơi tình người chan chứa. “Ba mùa” là bộ phim không chỉ khiến người xem mỉm cười, mà còn khiến họ đặt tay lên ngực trái, vì có gì đó đẹp đẽ khẽ rung lên…
Theo 35mm
0 nhận xét:
Post a Comment