728x90 AdSpace

  • Latest News

    5.2.15

    Arthouse films (P1): Duy mĩ đến cực đoan

    Trong khi những bộ phim thị trường chủ yếu được sản xuất theo một công thức chung Dàn diễn viên xinh đẹp + nội dung dễ hiểu, dễ cười, dễ quên = ăn khách, doanh thu thì dòng phim arthouse lại đi theo một motif khác biệt và gần như độc lập với phần còn lại của điện ảnh.

    Kết quả hình ảnh cho Bi! Đừng Sợ

    Ở đó, đạo diễn đóng vai trò cầm trịch, chỉ đạo các tuyến nhân vật theo đúng tư duy nghệ thuật của mình. Họ không thoả hiệp với khán giả, không thoả hiệp với thị trường vì chưa bao giờ mục đích của các bộ phim arthouse là câu kéo khán giả. Họ làm phim phục vụ nghệ thuật, phục vụ tư duy duy mĩ, vì tận cùng cái đẹp. Từng bộ phim được dàn dựng, cắt ghép và thể nghiệm những ý đồ đặc biệt để làm nổi lên thông điệp, hoặc chỉ một hình ảnh biểu trưng nào đó giàu sức gợi và liên tưởng. 

    Cũng có lẽ vì thế nên hầu như phần lớn các bộ phim thuộc dòng phim arthouse đều dựa trên nguồn vốn của các quỹ điện ảnh và các mạnh thường quân để sản xuất, bởi ra rạp ai nấy đều biết cầm chắc khoản lỗ không thể thu hồi.

    Ở Việt Nam, dòng phim này đã manh nha phát triển hơn chục năm và xuất hiện những gương mặt nổi bật, trở thành cây đa cây đề trong giới điện ảnh. Đầu tiên chắc chắn phải kể đến Trần Anh Hùng với những bộ phim đậm đặc tính ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo như Xích Lô, Mùa Hè Chiếu Thẳng Đứng. Kế đến phải nói đến Phan Đăng Di với cú nổ Bi! Đừng Sợ và sắp tới đây sẽ là dự án Saigon Sunny Days cùng Tiệc Trăng Tròn chuẩn bị được bấm máy. 

    Dễ dàng nhận thấy tất cả các bộ phim vừa được điểm qua đa phần đều xa lạ với công chúng. Thậm chí, sau khi công chiếu Bi! Đừng Sợ, hàng loạt ý kiến, nhận định tiêu cực đã được đưa ra vì đơn giản công chúng không hiểu đạo diễn muốn nói gì. Họ nhìn thấy những cảnh tượng trần trụi, họ nhìn thấy diễn viên đi lại, khóc cười và hàng loạt hình ảnh biểu trưng để rồi ngẩn ngơ, tức giận và bắt đầu ném đá. 

    Dạo ấy dư luận ong ve mãi rồi thôi, ekip chẳng buồn lên tiếng. Họ vẫn tiếp tục làm phim và nhận giải, rồi lại làm phim. Thế mới thấy arthouse không dễ gì tiếp thu. Nhất là khi số đông không phải là điều dòng phim này hướng đến. Tinh thần duy mĩ cực đoan luôn được thống nhất và kiên định xuyên suốt từng thước phim để bộc lộ cái nhân sinh mĩ quan của người thực hiện.

    Arthouse nắm giữ vai trò quan trọng trong nền điện ảnh cũng bởi chính lí do này. Bởi các hãng sản xuất lớn luôn đặt tiêu chí doanh thu lên hàng đầu. Lợi nhuận dường như chưa bao giờ là nhân tố thân thiết với tính nghệ thuật, hay nói chính xác hơn sẽ rất khó khăn để cân bằng yếu tố nghệ thuật và đại chúng trong cùng một tác phẩm, điều mà Lê Văn Kiệt đã từng thất bại với Ngôi Nhà Trong Hẻm hay Victor Vũ và Quả Tim Máu. 

    Chính vì vậy, arthouse như một liều thuốc cứu cánh thực sự. Ở đó mỗi đạo diễn và ekip của mình sẽ thoả sức chiếm lĩnh từng phân cảnh, từng tuyến nhân vật để rồi từ đó sáng tạo, nhào nặn nên một tác phẩm đậm đặc tư duy nghệ thuật. Chính những sản phẩm này sau khi hoàn thành sẽ mang hơi thở của một thế hệ nghệ sĩ đương đại, phản ánh trình độ nhận thức, tư duy, tìm tòi và thể nghiệm nghệ thuật. 

    Chỉ là, như ở đầu bài, một thời gian rất dài, điện ảnh Việt Nam đắm chìm trong những tác phẩm hài nhảm, nhiều yếu tố câu khách và dễ dãi để thoả mãn thị hiếu của số đông. Đã đến lúc chúng ta nghiêm túc thừa nhận Việt Nam còn quá non nớt và thua kém bạn bè quốc tế hàng chục năm ở lĩnh vực điện ảnh.


    Theo a Qy blog
    • Blogger Comments
    • Facebook Comments

    0 nhận xét:

    Post a Comment

    Item Reviewed: Arthouse films (P1): Duy mĩ đến cực đoan Rating: 5 Reviewed By: Phan
    Scroll to Top