728x90 AdSpace

  • Latest News

    12.9.17

    Trần Anh Hùng – ngôn ngữ điện ảnh đến từ tình yêu Việt Nam



    Kiên trì với phong cách duy mỹ qua sáu bộ phim, đạo diễn gốc Việt xác lập vị trí trên bản đồ điện ảnh thế giới sau hơn hai thập kỷ.

    Trần Anh Hùng từng bày tỏ: “Nghệ thuật là sự thật được đeo mặt nạ”. Các phim của anh đều dùng âm nhạc, hình ảnh làm bề mặt cho một tầng nghĩa bên trong. Đạo diễn từ bỏ lối kể chuyện theo kết cấu truyền thống để đánh mạnh vào cảm giác người xem. Đôi khi xem phim của Trần Anh Hùng, khán giả phải từ bỏ cái đầu duy lý thì mới khám phá được những bí ẩn đằng sau lớp “mặt nạ” anh giăng ra.



    Trần Anh Hùng sinh năm 1962 tại Đà Nẵng, sau năm 1975 đến Pháp sinh sống. Anh theo học trường điện ảnh danh tiếng École Louis-Lumière và tốt nghiệp bằng phim ngắn Người thiếu phụ Nam Xương (La Femme Mariée de Nam Xuong), lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học - Truyền kỳ mạn lục. Năm 1993, tác phẩm Mùi đu đủ xanh (The Scent of Green Papaya) của Trần Anh Hùng nhận đề cử Oscar ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”. Đến nay, đây vẫn là bộ phim truyện điện ảnh nói tiếng Việt duy nhất góp mặt tại vòng tranh tài cuối cùng của giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới.



    Năm 1995, Trần Anh Hùng giành giải Sư Tử Vàng tại LHP Cannes với Xích lô (Cyclo). Phim có cảnh một nhân vật ví von tiếng súng AK-47 như một bài hát, ngay sau đó vang lên giai điệu tha thiết của Em ơi Hà Nội phố (qua tiếng hát Thanh Lam). Giữa hai cảnh quay chẳng có nét liền mạch nào về câu chuyện mà chỉ là sự kết nối cảm xúc.

    Sau phim ngắn Hòn vọng phu (La Pierre de l'Attente) vào năm 1991, Trần Anh Hùng bắt đầu thực hiện ba phim điện ảnh về Việt Nam, sau này thường được gộp chung là “Vietnam Trilogy”. Anh muốn thể hiện một góc nhìn mới về Việt Nam, khác với những gì các nhà làm phim Pháp và Mỹ đã thực hiện nhiều năm trước. Hình ảnh Việt Nam được xây dựng dựa trên kiến thức của anh về văn hóa Việt, trộn lẫn thẩm mỹ của một người đã sống ở phương Tây nhiều năm. Vì vậy, ở đôi chỗ nó có phần xa lạ với khán giả trong nước nhưng lại làm nên nét quyến rũ riêng của Trần Anh Hùng. Đạo diễn từng khẳng định anh không miêu tả Hà Nội mà miêu tả lại cảm giác về Hà Nội trong anh.


    Mùi đu đủ xanh là bộ phim mang nét trinh nguyên, ngây thơ như chính nhân vật Mùi. Xích lô bổ sung thêm chất trần trụi còn Mùa hè chiều thẳng đứng đem đến hơi thở hiện đại. Điểm xuyên suốt ba tác phẩm là “chất thơ” về mặt hình ảnh. Nhiều khung hình được đạo diễn quay cận và dừng lại rất lâu để mô tả tỉ mỉ. Từng cảnh đều có tính toán bố cục, trau chuốt như một bức tranh. Cái đẹp tỏa ra từ những chi tiết nhỏ nhặt như đàn kiến, hạt đu đủ, giọt nhựa đọng trên chiếc lá. Những cảnh sinh hoạt bình thường như gội đầu, nấu ăn cũng toát lên chất mỹ miều riêng.

    Phim của Trần Anh Hùng thoát khỏi nhịp điệu thông thường, ham muốn vội vã tiến về đích đến. Theo dõi chúng, khán giả phải nhẩn nha theo từng khuôn hình, từng cuộc đối thoại để tự tìm ra những suy tưởng của mình. Ngay trong một phim nhuốm màu bạo lực như Xích lô, Trần Anh Hùng cũng dành nhiều khoảng lặng giữa các cảnh đẫm máu, như đoạn nhân vật của Lương Triều Vỹ đọc thơ. Những trường đoạn này phá vỡ sự bó buộc của tính duy lý để mở ra một thế giới vượt ra khỏi câu chuyện. Xích lô cũng là phim mà Trần Anh Hùng tự nhận là có chất điện ảnh nhất trong các tác phẩm của anh.



    Bên cạnh đó, âm nhạc cũng là điểm nhấn trong cách kể của đạo diễn Việt kiều. Anh quan niệm nhạc là cách đối thoại với người xem, nhằm tìm ra sự đồng điệu về cảm xúc giữa họ và câu chuyện. Cách dùng nhạc của Trần Anh Hùng hướng đến sự mới mẻ, đôi khi còn đối lập với câu chuyện. Trong Mùa hè chiều thẳng đứng, những bài hát nước ngoài xa lạ vang lên khi hai nhân vật ngủ dậy. Giữa bối cảnh Sài Gòn trong Xích lô là Em ơi Hà Nội phố và ở cuối một tác phẩm dữ dội như vậy lại là bài Rửa mặt như mèo. Trong Rừng Na Uy, phần âm nhạc do nghệ sĩ Johnny Greenwood của nhóm Radiohead đảm nhận đôi khi còn lấn át, vang lên trước cả phần hình ảnh.



    Trong nghệ thuật, Trần Anh Hùng là người kén chọn và chỉ làm phim khi bắt gặp một ý tưởng hay. Suốt hơn hai thập kỷ, gia tài của anh vỏn vẹn sáu phim điện ảnh. Không phải lúc nào Trần Anh Hùng cũng được khen ngợi, như I Come with The Rain (2009) từng bị chỉ trích vì quá “kỳ quặc” so với tiêu chuẩn của dòng phim kịch tính. Năm 2010, Trần Anh Hùng chuyển thể tiểu thuyết lừng danh Rừng Na Uy của Haruki Murakami. Bộ phim nhận đề cử Sư Tử Vàng ở LHP Venice song gây nhiều phản ứng trái chiều nơi khán giả.

    Tiết tấu chậm và cách cắt dựng cảnh không theo trật tự của Trần Anh Hùng gây khó hiểu với những ai chưa từng đọc qua truyện. Cách anh mô tả những cảnh làm tình cũng quá nhã nhặn, chưa phù hợp với ngôn từ táo bạo của nhà văn. Tác phẩm mang nhiều chất thơ của Trần Anh Hùng hơn câu chuyện của Murakami. Anh trung thành với phong cách của mình là giữ cảm xúc của nhân vật mơ hồ rồi đặt nó vào một tổng thể lớn hơn để khán giả tự cảm nhận được sự mất mát của nhân vật.

    Trong cuộc phỏng vấn năm 2004, Trần Anh Hùng khẳng định anh chỉ chú trọng ngôn ngữ điện ảnh mà không quan tâm lắm đến yếu tố xã hội của phim. Anh làm phim trước hết để phục vụ cho chính mình, không đặt nặng chuyện phục vụ ai hay cái gì. Trên thực tế, bộ phim Xích lô từng bị cấm chiếu ở Việt Nam vì bối cảnh xã hội trần trụi trong đó. 


    Bài: Ân Nguyễn (VnE)
    Trình bày: Soi
    • Blogger Comments
    • Facebook Comments

    0 nhận xét:

    Post a Comment

    Item Reviewed: Trần Anh Hùng – ngôn ngữ điện ảnh đến từ tình yêu Việt Nam Rating: 5 Reviewed By: Phan
    Scroll to Top