728x90 AdSpace

  • Latest News

    25.5.16

    Phim ngắn Việt đương đại: Vì đâu phải xem?

    Có một phim ngắn mà tôi hay nhớ lại mỗi khi chán như con gián: Chỉ một đô la (Nguyễn Mạnh Hà). Phim này dựng tình huống rất điển hình ở các khu phố cổ Hà Nội: một anh bán hàng dạo mời anh Tây ba lô mua bản đồ du lịch. Anh Tây hẳn biết tỏng mọi thứ văn minh An Nam có thể kết tinh ở chàng CEO đường phố này nên đã kiên quyết từ chối.

    Nhưng trải nghiệm kiếm ăn không làm chàng bỏ cuộc. Chàng từ đeo bám chuyển sang chặn đường, từ đón lỏng chuyển sang phục kích. Anh Tây bị hành rất tới bến nên cũng chuyển từ nhã nhặn từ chối sang khinh bỉ hất mặt bỏ đi, từ vẫy tay phớt lờ sang ngoắc miệng chửi hồi dài, thiếu boxing nữa là thành superman. Thua cuộc, chàng CEO phố cổ liền từ tốn đối thoại văn hóa (tự học mà thành) bằng một so sánh kinh điển: không bản đồ, không kẹo cao su, không cả candom, anh là Jesus Christ à?

    Đến Chúa cũng bị khinh chứ đừng nói người thường. Vậy mà tôi rất thường xuyên thấy nhiều ca/đại ca muốn mình giống Chúa.

    Kết quả hình ảnh cho yxineff
    Một sân chơi đầy thú vị cho các bạn trẻ đam mê phim ngắn ở Việt Nam

    Một thực tế chẳng dễ lí giải là đã có những ứng xử không đồng nhất với phim ngắn (short film) diễn ra trong lịch sử điện ảnh thế giới. Trước khi được định nghĩa như một thể loại, “ngắn”, nếu chiểu theo dung lượng thời gian, đã từng là thước những phim đầu tiên và tồn tại suốt từ lúc khởi thủy, 1895 với anh em nhà Lumière, rồi đến kỉ nguyên phim câm qua thời đại phim tiếng. 

    Khi có sự xuất hiện của những thước phim được mô tả là dài do việc gộp nhiều tập, kiểu như The life of Moses(1910), The Fall of Troy (1911) hay Vanity Fair (1911)…, thì vị trí của phim có thời giờ khiêm tốn mà đặc sắc nhất là phim hoạt hình, trong các rạp năm xu, chỉ như món khai vị khuyến mãi trộn lẫn cùng dòng tin tức thời sự cho người xem, ngoại trừ một ngoại lệ kinh điển là những thước phim hài của Charlie Chaplin. 

    Sự tiến bộ của kĩ thuật làm phim, sự phát triển của hình thức tự sự và quyền lực của hệ thống phát hành đã đẩy phim truyện dài (feature film) lên vị trí trung tâm, nơi thể hiện trọn vẹn các kiểu mẫu về nghệ thuật, tầm vóc của các minh tinh, các đạo diễn cũng như tính thương mại vốn là yếu tố sống còn trong ngành công nghiệp điện ảnh. Phim truyện dài, do vậy, được ưu tiên để đầu tư sản xuất, có cơ hội đem lại vinh quang và tiền bạc, và sau đó, được phân tích, nghiên cứu như điển phạm trong các giáo trình sách vở. David Bordwell và Kristin Thomopson, trong các dẫn luận nổi tiếng của mình, là Film History và Film Art, cũng không xây dựng một chương nào để bàn về phim ngắn như cách họ đã làm kĩ lưỡng, hấp dẫn với các vấn đề trọng yếu khác.

    Cho đến nay vẫn còn những than phiền và định kiến rằng phim ngắn chỉ là tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Bởi một phim ngắn “là những phim có độ dài khoảng 40 phút hoặc ít hơn” theo định nghĩa của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ, dường như không đủ sức diễn đạt những ý tưởng nghệ thuật lớn lao và trên đường đi đến những thước phim đôi khi là ngẫu hứng đó, nếu người làm phim không xác quyết ngay từ đầu một sự nghiệp điện ảnh mà mình theo đuổi, thì sẽ bộc lộ không ít tính nghiệp dư của việc làm được chăng hay chớ. 

    Phim ngắn thiếu những hỗ trợ kinh phí, hiếm có nhà sản xuất nào hảo tâm với một kẻ vô danh tập sự, còn hãng phát hành thì thường quay lưng với sản phẩm mua vui chưa nổi vài trống canh như thế. Tuy nhiên, ngay ở vị trí bị xem nhẹ, phim ngắn là một cơ hội không thể khác và hiệu quả hơn cho những khởi sự. Không chỉ 40 phút mà thậm chí ít hơn (như liệt kê của nhà biên kịch Jean Marc Rudnicki chỉ ra: năm 2001, trong tổng số 379 phim ngắn được cấp giấy phép phát hành ở Pháp thì có 167 phim chỉ dài dưới 10 phút, 123 phim từ 20 – 30 phút), phim ngắn vẫn đủ sức cấp chứng chỉ cho một tài năng, là điểm đáng tin cậy đầu tiên cho sự thông hành phía trước. Tấm danh thiếp của Andrei Tarkovsky, David Lynch, Jean-Luc Godard, Rainer Werner Fassbinder, Martin Scorsese, Abbas Kiarostami… những đạo diễn vĩ đại và có phong cách cá nhân độc đáo bậc nhất, không chỉ được đánh dấu bằng các phim truyện dài, mà còn là các phim ngắn, cả trước và trong quá trình lập danh của họ[1]. 

    Thưởng thức những phim ngắn của họ, trong tình thế đối sánh, thì thấy rằng một phim ngắn đồng nghĩa với một bài tập tốt nghiệp thời sinh viên nhưng cũng là một thử thách tái hồi thể loại khi họ đã chín muồi trong sự nghiệp. Lựa chọn phim ngắn, với họ, ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời, không thể coi là cách giết thời gian hay thêm quả dâu tây trên cốc sinh tố, mà chủ yếu, để gói ghém một ý tưởng độc đáo, một thông điệp cô động có khả năng phát tán nhanh chóng. Với đòi hỏi ý tại ngôn ngoại hay hình ít ý nhiều thì phim ngắn nhiều lúc như bài tuyệt cú, thể haiku để ngỏ cho các nhà làm phim, ngay cả những người kì cựu ở phim truyện dài, nhập cuộc đôi lần cho thỏa chí. Trường hợp Eros (2004), một phim truyện dài được hợp nhất bởi ba phim ngắn của ba đạo diễn danh tiếng: Vương Gia Vệ với The Hand, Steven Soderberg với Equilibrium và Michenlangelo Antonioni với The Dangerous Thread of Things là ví dụ tiêu biểu gần đây cho việc chưa bao giờ vơi cạn lời mời gọi từ phim ngắn. Eros như tòa tháp ba lăng kính rực rỡ mà mỗi phim ngắn trong nó đảm nhận một góc nhìn, cách tường giải, soi chiếu khác nhau về tình yêu và dục tính. Dù mang lại những tri nhận, cảm xúc riêng biệt khi xem từng phim ngắn nhưng Eros vẫn một là chỉnh thể trọn vẹn nhờ hội tụ ba phong cách cá nhân độc đáo.

    Một trong những tác nhân quan trọng làm thay đổi cách làm/xem phim ngắn của thế giới hiện nay là sự xuất hiện Internet và các phương tiện kĩ thuật số. Thông lệ cho những phim ngắn hay là chúng được lưu trữ ở các website hoặc các DVD (điển hình như The Journal of Short Film) xuất bản thường kì. Ray Frensham trong cuốn Tự học viết kịch bản phim, khi chỉ ra những cơ sở dữ liệu liên quan, đã thống kê hơn một chục trang web uy tín phục vụ hữu ích cho những người làm phim ngắn. 

    Không ai có thể kiểm kê được có bao nhiêu phim ngắn ra mỗi ngày nhưng dựa vào sự chọn lựa của các trang web chuyên môn, vốn được xây dựng từ những chuyên gia trong thể loại này, hoặc, từ những cuộc thi, người xem vẫn tìm được phim ngắn chất lượng. Khả năng tương tác của một quyền năng xuất bản như YouTube là vô cùng rộng mở, khiến bất kì ai cũng có thể đăng tải, bình luận một vài thước phim yêu thích. Phim ngắn có lợi thế hơn hẳn phim truyện dài nếu tính ở góc độ tự do tham gia một cách phi lợi nhuận.Và đây cũng là tinh thần của các liên hoan phim ngắn thế giới, nơi công việc tuyển lựa nghiêm cẩn không kém phim truyện nhưng vinh quang, nếu có, lại mang tính dự báo nhiều hơn, tức không quẳng phao cho người đã vào bờ.

    Những diễn biến trên có thể tìm thấy, vào thời điểm hiện tại, ở Việt Nam vài nét tương tự. Chưa lúc nào chúng ta đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển phim ngắn như dăm năm qua, bỏ qua một giai đoạn quá khứ chưa mấy khi được chú trọng. Cuộc bùng nổ các phương tiện truyền thông đa phương tiện và giới trẻ, bộ phận đông đảo tham gia vào sinh hoạt kĩ thuật số như sự thường tình, sẽ không bỏ qua cơ hội trở thành nhà làm phim độc lập. Đến sau nhưng lại nhanh chóng cập nhật công cụ làm phim, từ máy ảnh, máy quay đến các phần mềm cắt dựng, người làm phim ngắn ở Việt Nam hoàn toàn thỏa mãn đam mê phim ảnh của mình. Nhưng phải đợi đến khi, một tác nhân khác, quan trọng hơn, đến từ nhu cầu nội tại của một cộng đồng điện ảnh Việt đang có dấu hiệu trưởng thành, thì phim ngắn mới có được sức đột phá trên bình diện phong trào, mạnh mẽ đến mức, khó đưa ra số lượng phim chính xác.

    Phong trào làm phim ngắn ở Việt Nam hiện nay có thể lẩy ra từ bốn nguồn. Thứ nhất, như mặc định, là các bài tập tốt nghiệp của sinh viên các trường sân khấu điện ảnh. Một số những tác phẩm tiêu biểu từ đây sẽ có mặt trong ngày phim sinh viên hoặc Liên hoan phim Ong vàng do chính sinh viên, giáo viên trong trường tổ chức. 

    Thứ hai, có xu hướng ngắn gọn và hiệu quả, là mô hình từ chương trình giảng dạy làm phim do các tổ chức/quĩ nước ngoài tài trợ mà những Dự án Điện ảnh(Film Studies Program) của Trường ĐHKHXH-NV Hà Nội; Dự án 10 tháng 10 phim và Chúng ta làm phim của Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh (TPD) hay các khóa làm phim tài liệu của DocLab (Viện Goethe) tiến hành trong nhiều năm qua là sự đóng góp đặc biệt về đội ngũ làm phim ngắn, nhất là khả năng đọc/hiểu và dàn dựng những ngôn ngữ cơ bản của nghệ thuật thứ bảy. 

    Thứ ba, như một cạnh tranh lành mạnh, các công ty truyền thông cũng tổ chức nhiều hoạt động làm phim, ngoài lí do phục vụ mục đích đánh bóng thương hiệu, còn vì sân chơi điện ảnh cho cộng đồng. Xung quanh những hoạt động này, mà tính thu hút, quảng bá đã thực sự đạt mức cao, có thể liệt kê một vài hoạt động thành công: 89600Km + … của Blue Production, cuộc thi Làm phim 48 giờ, cuộc thi phim ngắn Hiểu về trái tim, Super 8… 

    Thứ tư, trộn lẫn giữa tính nghiệp dư thuần túy và nỗ lực chuyên nghiệp hóa làm phim là các nhóm hoặc cá nhân chuyên thử sức ở phim ngắn. Dù tự phát hay tự giác thì đây vẫn là bằng chứng thuyết phục cho mức độ sinh sôi phim ngắn tại Việt Nam. Không chỉ vì công nghệ làm phim đơn giản, kinh phí thấp, các ràng buộc về phát hành không quá khó khăn, mà lí do chính yếu, theo tôi, là đến lúc nhu cầu số hóa đã đồng hành với tính cá nhân hóa, biến mỗi cá thể là một phát ngôn hình ảnh trước những điều tai nghe mắt thấy. Yếu tố nghệ thuật có mặt trong các phát ngôn này sẽ làm rõ hơn những tri nhận, xúc cảm và đẩy xa thông điệp đến với xã hội trong tình cảnh khả năng lắng nghe, chia sẻ cũng bị khu biệt theo nhóm/tiểu cộng đồng một cách rõ rệt.

    Phim ngắn là dạng thức văn bản thích ứng với đời sống, tâm thế đô thị, nơi tính chất ngắn ngủi thường truyền đạt những cảm thức sâu kín và thay vì chọn lựa những phạm trù vĩnh cửu, các cá nhân ưa đón nhận sự diễn giải thoáng qua nhưng là một phần của cuộc hiện tồn. Theo nghĩa đó, phim ngắn sẽ còn lan nhanh, bất chấp những rào cản văn hóa tiểu nông vốn ngại ngần trưng bày cái cá nhân của mình.

    Nhưng làm phim thì phải có xem, đánh giá phim. Bởi vậy không gì thu hút lượng phim ngắn qui tụ đông đảo hơn là các cuộc thi phim ngắn. Hiện nay, ngoài cuộc thi phim ngắn toàn quốc do Hội Điện ảnh tổ chức (sau 7 mùa giải có sân chơi riêng thì từ năm 2010 phim ngắn được đưa vào một hạng mục của giải Cánh diều vàng) như một kênh đánh giá của hội nghề nghiệp thì còn có nhiều cuộc thi phim ngắn theo chủ đề (môi trường, sức khỏe, giáo dục) do các cơ quan, cá nhân khác, thường là tình nguyện, đảm nhận. 

    Điển hình cho nét mới mẻ, bài bản và bắt đầu gây dựng uy tín cao là Tiệc phim trực ngắn tuyến YxineFF, được tổ chức từ năm 2010, dành cho phim ngắn, không chỉ của trong nước mà còn của khu vực và quốc tế. Tăng nhanh về số lượng (năm 2010, YxinFF có 120 phim tham dự, 54 phim được chọn trình chiếu; năm 2011 tỉ lệ này là 150 và 120), thiết lập các chủ đề mở (tình yêu, niềm tin, cá nhân), tôn trọng các sáng tạo độc đáo, YxineFF đã biến hoạt động làm phim ngắn độc lập ở Việt Nam thành việc làm có định hướng, được ghi nhận và đánh giá đích đáng. 

    Một khi thị trường điện ảnh đang đình đám và loạn nhịp bởi những kẻ giàu mới nổi là các hãng phim kiêm phát hành tư nhân, xiết chặt dần hơi thở còm cõi của điện ảnh nhà nước, thì bản chất của YxineFF lại là sự lành mạnh hóa các nhu cầu và giá trị làm phim độc lập, phá vỡ thế bị động của các kênh huy động tài năng và yêu thích điện ảnh. Phim ngắn, từ điểm này, đem đến cảm giác yên tâm về lẽ tồn tại của nó.


    [1] Hoàn toàn có thể xem được các phim ngắn của các đạo diễn nổi tiếng này: Je vous salue Sarajevo (1993) của Jean-Luc Godard; Tuyển tập The Short Films [gồm Six Times – 1966, The Alphabet – 1968, The Grandmother – 1970, The Amputee – 1974, The Cowboy and the Frenchman – 1988] của David Lynch; The Big Shave (1967) và The Key to Reserva (2007) của M. Scorsese; The City Tramp (1966) và The Little Chaos (1966) của R. Fassbinder; The Bread and Alley (1970) và The Chorus (1982) của A. Kiarostami…

    Theo Mai Anh Tuấn
    • Blogger Comments
    • Facebook Comments

    0 nhận xét:

    Post a Comment

    Item Reviewed: Phim ngắn Việt đương đại: Vì đâu phải xem? Rating: 5 Reviewed By: Phan
    Scroll to Top