Xem lại Before Sunrise vào một buổi tối mưa. Những lần trước xem bằng tiếng Anh, lần này bằng tiếng Việt. Nhiều người nói rằng họ thích xem tiếng Anh hơn, vì sẽ hiểu rõ nghĩa và cảm thấy chân thật hơn – cảm nhận được những lời nói và ngôn ngữ ăn khớp. Tôi đồng ý.
Nhưng với những bộ phim tôi yêu, và thường xem lại nhiều lần, tôi hay chọn ngẫu nhiên. Những bản dịch cũng có khá nhiều điểm thú vị, bởi lẽ tiếng Việt có tính “gợi” và nhiều sắc thái hơn. Chỉ một cách đổi ngôi thôi, từ “tôi” thành “tớ” trong một câu đùa, hay dùng những từ ngữ biểu cảm hơn, tùy theo sáng tạo của người dịch, là đủ để cảm xúc đi theo một hướng khác.
Xem Before Sunrise sau khi đã xem rất nhiều lần Before Midnight mang đến nhiều trải nghiệm hơn. Giống như theo dõi câu hỏi và câu trả lời cùng một lúc. Chúng ta vẫn thường thắc mắc rằng, một năm nữa, hai năm nữa, mười năm nữa, chúng ta sẽ ra sao, về bề ngoài, về suy nghĩ, về tính cách, về công việc… về mọi thứ. Liệu chúng ta có hạnh phúc, liệu những thứ chúng ta cho là quan trọng có còn là ưu tiên? Nhưng trên tất cả, là câu hỏi liệu chúng ta có còn là chính mình khi thời gian qua đi, và thời gian có thể làm biến đổi và méo mó kẻ ngây thơ đang nhìn chúng ta trong gương như thế nào. Đó là điều bạn có thể tìm thấy ở loạt phim này. Và ít nhiều, dù bạn đang ở năm 20 tuổi hay ngoài 40, bạn vẫn sẽ thấy chính mình trong đó.
Nhân tiện đây, tôi viết những dòng này vào năm 23 tuổi, cũng tương đương với Jesse và Celine khi họ gặp nhau trên chuyến tàu. Xem như là một cái mốc để so sánh với tôi sau 18 năm nữa, nếu tôi còn sống. Tạm biệt! Goodbye! Au revoir! Later!
Before Sunrise trước hết là một bộ phim đẹp. Đẹp từ những khung hình, vốn có mục đích quảng bá du lịch cho một thành phố rất đẹp là Viên (và một lượng lớn khách du lịch đã tìm đến đây sau khi xem phim, không nghi ngờ gì), từ cách đạo diễn sắp xếp bối cảnh cho những cuộc đối thoại, trên xe buýt, tàu điện ngầm, những con phố đêm hay quán café trên tàu, cách hai diễn viên hút người xem vào cách họ chuyện trò, những suy nghĩ bất tận và thú vị của họ, cách họ chia sẻ những bí mật, cách họ bất đồng, cách họ yêu, bộ phim còn đẹp bởi sự phai tàn. Tôi nghĩ rằng sẽ tuyệt vời không kém nếu đây là tác phẩm duy nhất, không cần đến Before Sunset và Before Midnight nữa, tôi sẽ không nuối tiếc, dù hai bộ phim kia đều là tuyệt tác.
Có ai đo cuộc đời bằng dài ngắn, mà đo bằng những khoảnh khắc họ cảm thấy được sống thật sự và hạnh phúc. Có những năm tháng dài chỉ gói lại trong một đêm, tôi không quan tâm nếu Jesse lấy vợ, rồi ly dị, rối gặp rắc rối trong việc nuôi dưỡng con, hay Celine trở thành một phụ nữ đẫy đà, không biết làm sao để tròn bổn phận người mẹ và thấy tù túng. Mỗi phút giây trong Before Sunrise đều là một phút giây cuối cùng, mỗi hơi thở họ trao cho nhau là hơi thở cuối cùng, tuổi trẻ của họ ở lại trong đêm bồng bột ấy, và họ sẽ nhớ đến nhau như một thiên thần, một ai đó hòa hợp và dành riêng cho mình trong trái tim. Tôi nghĩ nó sẽ đẹp không kém việc chửi rủa, ghen tuông, cãi cọ, và làm tổn thương nhau.
Điều tuyệt vời nhất của phim là ở bối cảnh. Đó là năm 1995 và ai lại không muốn có một đêm như thế? Jesse, thất tình và lang thang trên những chuyến xe lửa, đọc sách và nhìn ngắm phong cảnh lướt qua cửa sổ. Tình cờ anh gặp Celine, một cô gái Pháp xinh đẹp, thông minh ngay từ câu nói đầu tiên về những cặp vợ chồng mất dần khả năng nghe lẫn nhau. Họ không biết nhau, họ không phải ở nơi họ sống, họ không có bạn bè chung. Điều đó tạo nên sự an toàn. Và năm 1995, tôi nghĩ rằng mời một cô gái xuống tàu sẽ dễ dàng hơn một chút so với thế kỷ này, vẫn là về sự an toàn thôi. Nhưng Jesse và Celine đã để ý đến nhau trước, họ cảm thấy bị thu hút, và có một mối liên hệ.
Ai lại chưa từng một lần, hay trong những giấc mơ, muốn gặp gỡ tình yêu của mình theo cách đó? Tất cả đều là tình cờ, không phải giới thiệu, không có bất kỳ sự sắp đặt hay quen biết nào trước đây. Ai lại không muốn tin rằng, tình yêu của họ là do số phận?
Nhưng Before Sunrise sâu sắc và chạm vào người xem nhiều hơn chỉ là kiểu chuyện tình lãng mạn một đêm. Trước hết phải nói đến tài năng của Linklater, không hề dễ dàng khi kể một câu chuyện hoàn toàn bằng thoại, với rất ít kịch tính từ hành động. Sự khéo léo của ông thể hiện ở những đoạn dừng nhỏ giữa các câu chuyện, như khi Jesse và Celine lắng nghe bản nhạc “Come here” của Kath Bloom trong tiệm đĩa nhạc, nhìn ngắm lẫn nhau trong e ấp và ngượng ngùng, một cảnh phim đáng yêu biết bao, hay các khung hình về công viên, những bức tượng, ghế đá… để ngắt nhịp sau một đoạn thoại dài, giúp khán giả không bị ngộp và có thời gian cảm nhận về những gì vừa nghe, những cắt cảnh về con người ở Viên cũng rất đáng giá. Sự tinh tế ấy vẫn theo ông đến hai phần phim sau này.
Có nhiều cách để yêu một bộ phim, nhất là với bộ phim có rất nhiều điều để yêu như Before Sunrise, với tôi là sự đồng cảm. Tôi thích cách Jesse và Celine đi dạo qua những con phố đêm, một trong điểm khiến tôi có cảm tình hơn so với phần 2, là không gian ban đêm. Tôi còn nhớ rõ những con phố tôi từng đi qua, hay một vài khoảnh khắc trong quá khứ, tôi có cảm giác rằng màn đêm sẽ không bao giờ biến mất. Thời gian như ngừng lại, một màn đêm vĩnh cửu, giống như cặp tình nhân trong phim đã nói, không gian của những giấc mơ. Đó không còn là thời gian thực nữa, khi những điều đẹp đẽ nhất hòa quyện làm một, tuổi trẻ, tình yêu, sự rung động, sự háo hức về một nơi xa lạ để khám phá, một ai đó để chia sẻ những điều sâu kín nhất. Vì họ chỉ gặp nhau một lần trong đời, họ có thể nói về mọi thứ mà không e sợ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng. Và con phố đêm ấy, với những ngôi nhà cổ kính, đài phun nước, những người xa lạ chuyện trò, ánh đèn vàng trên những bức tường hay lấp lánh xe cộ phía xa, mọi vật đều trở nên có hồn và thân quen. Ở đó, họ chạm vào nhau và không còn thấy cô đơn.
Tôi tìm thấy những điểm chung với Jesse. Cảm giác mình không tồn tại và phát bệnh khi nói về bản thân, có phải mỗi người trẻ đều từng trải qua? Hay không phải? “Anh chưa từng ở đâu, mà anh không ở đó. Anh chưa từng hôn ai, mà không phải là một trong hai người. Anh chưa từng đi xem phim, nếu mình không phải là khán giả”. Jesse có một gia đình không hạnh phúc, và không tin vào tình yêu, và biết rằng điều gì sẽ xảy đến khi người ta sống với nhau. Trong sự bỡn cợt đó là một con tim yếu đuối. Nhất là khi anh nói về mâu thuẫn trong một giấc mơ, giấc mơ được làm cha, trở thành người của gia đình và chăm sóc người khác, rất gần. Nhưng rồi lại thấy rằng điều đó có thể hủy hoại cuộc đời của anh, về những gì anh muốn làm, sợ hãi về những mối liên hệ. Đó là tôi, tôi hiểu rõ cảm giác đó và vẫn phải đấu tranh với nó. Thật lạ là mỗi lời thoại trong phim giống như phát ra từ đâu đó bên trong, chứ không phải qua dàn loa, qua một nhân vật khác.
Khi đã xem Before Midnight, thì ai cũng biết được câu trả lời. Jesse li dị như điều anh lo sợ, điều anh không muốn nhất, rồi sống cùng Celine và có con. Những suy nghĩ, nỗi sợ hãi đó chỉ là sự ngây thơ non trẻ, và bị lãng quên. Tôi tự hỏi rằng có phải đó là điều sẽ xảy ra, những điều khiến chúng ta mất rất nhiều thời gian để lo lắng, để tìm kiếm một con đường, tìm kiếm một lời giải thỏa đáng, thì trở thành bọt biển và mất dạng khi đến một độ tuổi nào đó.
“Trước em, có một ông chú. Có lần ông nói với em rằng đã dành cả cuộc đời để nghĩ về sự nghiệp. Ông ấy 52 tuổi và nhận ra rằng ông chưa bao giờ thực sự làm gì cho bản thân. Cả cuộc đời không vì ai, chẳng vì cái gì. Ông ấy suýt khóc khi nói điều đó. Em tin nếu có bất kỳ loại thần thánh nào, thì không phải ai đó trong chúng ta. Không phải anh hay em, mà chỉ là khoảng không gian ở giữa chúng ta. Nếu có bất kỳ điều kỳ diệu nào trên trái đất này, đó hẳn phải là nỗ lực hiểu được ai đó, chia sẻ điều gì đó.
Em biết, điều này hầu như không thể được, nhưng ai thật sự quan tâm chứ? Câu trả lời chắc chắn nằm trong sự cố gắng.”
Xin lỗi vì đã trích dẫn một đoạn thoại, câu trả lời của Celine sau khi nghe Jesse nói về giấc mơ gia đình. Những ngày này, tôi thật sự gặp khủng hoảng với việc thấu hiểu. Tôi tin rằng con người sẽ chẳng bao giờ hiểu được nhau. Làm sao chúng ta hiểu được nhau đây, khi mỗi người sống một cuộc sống riêng và có những vấn đề riêng? Làm sao chúng ta hiểu được nhau đây, khi càng lớn lên, chúng ta càng mất đi khả năng chia sẻ và muốn chia sẻ? Khi chúng ta không còn ngây thơ, không còn tin tưởng và thất vọng khi đặt quá nhiều kỳ vọng? Khi chúng ta không còn đủ kiên nhẫn dành cho nhau? Và sẽ dễ dàng hơn, nếu chúng ta chỉ gói gọn lại việc dành tất cả mong chờ và nỗ lực đó cho một người, thay vì cho nhiều người, và cố gắng kiếm tìm hạnh phúc ở đó, với một cơ may nhỏ nhoi sẽ tìm được đúng người, sẽ có thể hiểu được và không còn cô đơn.
Ngay cả Jesse và Celine cũng không hiểu được nhau. Đó là chuyện tương lai. Những mâu thuẫn, nghi ngờ trong cuộc sống chung, họ xa nhau hơn. Tôi nghĩ đó là cách con người, bao gồm cả vợ chồng, dần dần chấp nhận trong những mối quan hệ: tôi và bạn, tôi và em, tôi và anh, sẽ hiểu nhau ở một vài mặt, và sẽ cố gắng hòa hợp hoặc chịu đựng lẫn nhau ở những mặt khác. Vấn đề không còn là cố gắng chạm đến những khoảng sâu kín hơn trong tâm hồn, để không còn thấy cô đơn như thời tuổi trẻ. Không có gì ở đó nữa, hoặc không có ai ở đó nữa. Tất cả chỉ là những khoảnh khắc, những khoảnh khắc nhỏ bé của một chuyến đi xe, một quãng đường, một buổi đêm trước khi trời sáng và bản thân cảm thấy hòa hợp hoàn toàn, trở thành một với người khác, an toàn và trọn vẹn. Có khi chúng ta kiếm tìm cả đời mà vẫn không có được khoảnh khắc ấy, như Jesse và Celine, dù sau 18 năm nữa họ có ra sao. Before Sunrise đẹp đẽ hơn, khi đặt chung với Before Midnight và ngược lại, là vì thế.
Những cảnh cuối phim, khi cặp tình nhân đã rời đi, mang đến những cảm xúc khác nhau mỗi lần xem lại. Có lúc, tôi cảm thấy thật buồn bã và cô quạnh. Vẫn là những nơi họ đã đi qua, nhưng trong ban ngày và vắng bóng người, dường như trở nên xa lạ. Một nơi nào đó đã chứng kiến một chuyện tình, như bao chuyện tình khác, họ ra đi và không trở lại. Có lúc, tôi lại thấy rằng những nơi đó trở nên thân thuộc hơn, vì đã gắn với từng kỷ niệm, từng ghi dấu chân của họ ở thời điểm đẹp nhất của cuộc đời. Tôi đủ lớn để hiểu cảm giác mình yêu một nơi nào đó, vì gắn liền với một người mình yêu thương. Nó sẽ không bao giờ như cũ nữa.
Tạm biệt! Goodbye! Au revoir! Later!
Theo 35mm
0 nhận xét:
Post a Comment